1. Lôgô:
2. Mảng màu chủ đạo của Hội: Màu xanh hòa bình.
3. Thông tin về Hội:
Đầu năm 1953, tình hình hoạt động của các tổ chức quần chúng rất sôi nổi, hội viên các đoàn thể quần chúng phát triển ngày một đông, tỉnh chủ trương kiện toàn các tổ chức đoàn thể quần chúng để đủ sức đảm đương nhiệm vụ mới. Theo quyết định của Ban Cán sự Đảng tỉnh, tháng 3/1953, Hội LHPN tỉnh được thành lập, lúc đó có 5 cơ sở Hội và 86 hội viên. Đồng chí Hoàng Thị Lập (Là huyện uỷ viên huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, được Liên khu uỷ Việt Bắc điều động vào công tác tại Lai Châu cũ từ tháng 8/1951) được phân công phụ trách công tác nữ của tỉnh. Ngay từ khi mới ra đời, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng đã tập trung chỉ đạo phụ nữ các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia công tác xây dựng vùng giải phóng, đi đầu phục vụ tiền tuyến. Qua các phong trào cách mạng, đến cuối năm 1953 toàn tỉnh đã phát triển thành 101 tổ phụ nữ gồm 1.346 hội viên.
Tháng 3 năm 1954, Ban cán sự tỉnh chủ trương: Công tác trọng tâm của tỉnh là phục vụ cho chiến dịch Điện Biên phủ, ở khắp các địa phương trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua đi phục vụ chiến dịch. Chị em các dân tộc Thái, Hmông, Dao, Khơ mú. Vốn xưa nay không đi xa nhà, chỉ quay tơ dệt vải hay nội trợ gia đình đã nô nức xuống núi, chẳng quản nắng mưa, bom đạn, đường xa, cùng anh em nam giới đi tiếp lương, tải đạn ra chiến trường. Những năm (1955-1962),dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ Tây Bắc, phát huy truyền thống Điện Biên phủ anh hùng, các Châu và thị xã của tỉnh ta đã ra sức phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá sau chiến tranh. Phong trào phụ nữ Lai Châu lúc đó đều dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu uỷ.
Sau khi tỉnh Lai Châu được tái thành lập từ ngày 27/10/1962, tỉnh Hội phụ nữ Lai Châu chính thức được tái thành lập ngày 1/1/1963 theo Quyết định số 217 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 201 của Bộ Chính trị, Quyết định 148 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ đó đến nay phụ nữ Lai Châu đã qua 9 kỳ Đại hội. Ngày 01/01/2004, Đảng và Nhà nước đã quyết định chia tách tỉnh Lai Châu làm hai tỉnh: Điện Biên và Lai Châu. Hội phụ nữ cũng được tách làm hai, Sau khi chia tách tỉnh đến nay Hội LHPN tỉnh Điện Biên có 76.572 hội viên; 112 cơ sở phụ nữ xã, phường, thị trấn 3 đơn vị trực thuộc, 1.938 chi, tổ phụ nữ. Qua từng giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phụ nữ các dân tộc Điện Biên cùng với phụ nữ cả nước thực hiện tốt các phong trào lớn của Hội đó là:
* Phong trào "5 tốt" (Từ 1961-1964),nhằm động viên đông đảo các tầng lớp phụ nữ đoàn kết, sản xuất tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt; xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Qua phong trào này, đã bình xét được 2.283 chị, 36 đơn vị đạt "5 tốt".
* Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" được phát động từ 1965-1975, với nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác; đảm đang gia đình; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Đây là phong trào lớn được chị em phụ nữ hưởng ứng rất nhiệt tình, tích cực. Qua phong trào này, đã bình xét được 18.546 chị và 228 tập thể đạt danh hiệu "Ba đảm đang"; trong đó có 3.492 chị được tăng huy hiệu "Ba đảm đang", 14 chị được tặng huy hiệu Bác Hồ, và 17 đơn vị được tặng cờ "Ba đảm đang".
* Phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" được phát động tháng 3/1978, phong trào đã được các cấp Hội Phụ nữ hưởng ứng rất sôi nổi. Trong lao động sản xuất chị em đã góp phần hoàn thành kế hoạch lương thực của Nhà nước, tự trang trải lương thực. Từng gia đình hội viên đã thực hiện có hiệu quả việc chăn nuôi để nâng cao đời sống sinh hoạt, thực hiện tốt phong trào "5 gà, 3 lợn" và tích cựchưởng ứng phong trào gửi tiền tiết kiệm vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai con em chúng ta.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, Hội đã phát động nhiều phong trào thiết thực như: Phong trào "áo ấm mùa đông chiến sỹ"; "Phong trào áo giáp biên giới". Hưởng ứng các phong trào trên: Chị em phụ nữ đã quyên góp hàng ngàn chiếc áo ấm, hàng trăm chiếc đệm gửi cho các chiến sỹ ở trên chốt và trạm xá quân y. Qua phong trào đã có 138 tập thể và 52.074 chị đạt danh hiệu người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với việc thực hiện 2 cuộc vận động: "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học", do Hội LHPN Việt Nam phát động tháng 3/1989. Chị em phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện tốt phong trào "Xây dựng bản mường giàu đẹp, gia đình hạnh phúc", do Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh phát động, qua phong trào này đã bình xét được 2.588 chị và 27 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào.
* Phát huy những thành tích đã đạt được, ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, phụ nữ Điện Biên đang tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ, sức lực của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc" và "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước" đã được 75% cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện.
* Phụ nữ Điện Biên từ tỉnh tới cơ sở đã năng động, sáng tạo tích cực thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Tính đến nay đã có 52.422 (78,576%) chị đăng ký thực hiện; 100% cán bộ và 29,170 (55,64%) hội viên đạt 3 tiêu chuẩn phong trào.
* Phong trào “Mỗi gia đình nông thôn có 1 vườn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên” và phong trào “2 không – 1 có – 2 sạch” được phát động từ 01/3/2007 đến nay, đã được đông đảo hội viên, phụ nữ các dân tộc hưởng ứng. Kết quả: 46.112 hộ gia đình hội viên có vuờn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên; 47.635 hộ không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; 39.524 hộ không thả rông gia súc, gia cầm; 31.087 hộ có hố ủ phân; 40% chi, tổ phụ nữ tổ chức dọn vệ sinh đường làng, thôn bản, khu phố vào cuối tuần.
Vai trò, vị trí của phụ nữ Điện Biên ngày càng được nâng cao. Tham gia hoạt động chính trị, xã hội ngày càng rõ nét, được quần chúng nhân dân và Đảng đánh giá cao. Cụ thể:
- Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 13 chị chiếm 26%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, thị, thành 57 chị, chiếm 21,75%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn 517 chị, chiếm 22,83%.
- Phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh 2 chị. Cán bộ nữ lãnh đạo trưởng, phó ngành cấp tỉnh và tương đương 13 chị. Nữ trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện, thị, thành 82 chị.
- Đảng viên nữ toàn tỉnh 5.931, trong đó có 122 chị tham gia cấp ủy Đảng các cấp.
Trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phụ nữ các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng theo Đảng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới của đất nước chị em đã tự lực, tự cường, không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ năng lực và nhận thức về mọi mặt. Đã xuất hiện bao tấm gương phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới như: chị Lò Mai Trinh - Bí thư Tỉnh uỷ; chị Đặng Thị Thành - Thầy thuốc ưu tú - Trưởng khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh; chị Nguyễn Quý Lạc - Nhà giáo ưu tú; chị Ngô Thị Thuỷ - Trung tá, Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý Công an tỉnh Điện Biên; chịHoàng Thị Phương – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh; chị Vũ Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và xây dựng 1-5...
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục: Luôn được đổi mới về nội dung và hình thức, ngày càng đáp ứng được nhu cầu, sự quan tâm của phụ nữ. Nội dung tuyên truyền phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ.
Trong xoá đói giảm nghèo: Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực khai thác và duy trì các nguồn vốn vay, đến nay tổng số nguồn vốn khai thác qua các kênh của Hội đang quản lý là gần 180 triệu đồng hỗ trợ cho hơn 13.000 hội viên, phụ nữvay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm tăng thu nhập; phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được duy trì tốt với tinh thần tương thân tương ái Lá lành đùm lá rách hàng năm có hàng ngàn phụ nữ được giúp đỡ với tổng số tiền và hiện vật trị giá hàng tỷ đồng. Hội phụ nữ các cấp cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình điểm như mô hình Vịt siêu trứng; Lúa cao sản; Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; Giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ và Làm nhà tình thương... Từ những vốn, giống tuy nhỏ, nhưng nhiều tình nghĩa đã kịp thời giúp đỡ phụ nữ nghèo bớt đi những khó khăn trong cuộc sống, góp phần ổn định và nâng cao đời sống các gia đình hội viên, phụ nữ trong phạm vi toàn tỉnh. Tính đến nay, tổng số hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ là 2.220/ 3.606 chị; Tổng số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo là 880/ 2.730 chị và có 216 phụ nữ nghèo được giúp đỡ xoá nhà tranh tre dột nát với tổng số tiền trị giá 1 tỷ 750 triệu đồng.
Có thể khẳng định phong trào đang từng bước đổi mới cả về hình thức và nội dung, nên đã động viên phụ nữ tự vươn lên xóa đói giảm nghèo làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo của tỉnh. Điển hình: Hội LHPN thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Điện Biên và thị xã Mường Lay.
Trong xây dựng gia đình hạnh phúc: Với thiên chức vừa làm Mẹ, vừa là người thầy đầu tiên của con người. Hàng năm có từ 60-70% phụ nữ được trang bị các kiến thức về giới, về DS-KHH gia đình, sức khoẻ sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội...Thông qua 187 các mô hìnhcâu lạc bộ Gia đình không sinh con thứ Ba;Gia đình không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật; CLB Bà nội, bà ngoại ... đã giúp cho chị em biết cách tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục con cái có nề nếp, lối sống lành mạnh và tích cực tham gia phòng chống bạo lực trong gia đình, đã góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, từng bước được bình đẳng với nam giới.
Hưởngứng Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” BTV Hội LHPN tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vân động, xây dựng kế hoạch triển khai và phát động thi đua Cuộc vận động tới 100% cơ sở Hội. Xây dựng tiêu chuẩn khung về đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ Hội LHPN tỉnh Điện Biên đăng ký thực hiện. Triển khai, nhân rộng 2 mô hình điểm: Ống tiền tiết kiệm và Hũ gạo tiết kiệm tới 76 xã, phường và 870 chi hội đã thu được kết quả: với số tiền tiết kiệm là 367.240.000đ và 5.298 kg gạo.
Với phương châm Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội công tác xây dựng, củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được các cấp Hội quan tâm, trú trọng, trong những năm qua Hội đãchú trọng kiện toàn bộ máy, đào tạo đội ngũ BCH và đội ngũ cán bộ chuyên trách, tiến hành khảo sát thực trạng, tập trung chỉđạo củng cố các tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hội viên.
Xóa 98 bản chưa có tổ chức Hội nay đã có tổ chức Hội và đi vào hoạt động. Thành lập mới 100 chi và 15 tổ phụ nữ, củng cố 12 cơ sở hội và 20 chi, tổ phụ nữ; kết nạp mới 14.403 hội viên. Phối hợp tổ chức xóa mù chữ cho 705 cán bộ, hội viên, phụ nữ; sau xóa mù chữ cho 61 chị và phổ cập trung học cơ sở cho 470 chị. Đặc biệt, đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác Hội và phong trào phụ nữ tới 100% huyện, thị, thành Hội và 50% cơ sở Hội.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội được quan tâm, bằng các hình thức: Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, phối hợp với trường chính trị tỉnh và Học viện Phụ nữ Việt Nam mở các lớp đào tạo lý luận chính trị và chuyên môn cho cán bộ chủ chốt cơ sở Hội. Công tác xây dựng quỹ hội được phát triển mạnh. Hiện nay 100% cơ sở Hội có quĩ hoạt động và thực hiện tốt vai trò đại diện chăm lo quyền lợi hợp pháp chính đáng cho phụ nữ. Tổ chức Hội và phong trào phụ nữ Điện Biên không ngừng phát triển.
Cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc tỉnh Điện Biên với tấm lòng mộc mạc, tin yêu vào Đảng, vào Bác, với đức tính cần cù mà nhân hậu, miệt mài và biết hy sinh, đã tạo nên một cốt cách độc đáo của người phụ nữ miền biên cương; vinh dự và xứng đáng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: một Huân chương Lao động hạng Nhì; hai Huân chương Lao động hạng Ba cho cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc; 1 Huân chương Lao động hạng Ba;2 giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu traocho cá nhân; Chính phủ tặng 4 bằng khen, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng 9 cờ đơn vị có phong trào thi đua xuất sắc; UBND tỉnh, các bộ, ngành và TW Hội LHPN Việt Nam tặng nhiều bằng khen.
Những truyền thống cao đẹp trên đây là tài sản vô giá và là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với phụ nữ tỉnh Điện Biên. Tự hào với truyền thống ấy, phụ nữ Điện Biên quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong hoàn cảnh mới.